Ngày 07 tháng 2 năm 2023, Hội thảo “Nghiên cứu tiền khả thi về hệ thống tiết kiệm năng lượng sử dụng thiết bị trao đổi nhiệt G-HEX tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Văn phòng đại diện Asano Taiseikiso Engineering Co., Ltd (ATK) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển xanh (Green.DC) tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Viện KH và CN Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia (AIST), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (VIGMR), Đại Học Bách Khoa Hà Nội, đại diện các Hội, hiệp hội, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp…

Thiết bị trao đổi nhiệt G-HEX có 3 ứng dụng chính là: sử dụng nhiệt thải nước nóng và nhiệt thải nước lạnh từ các nhà máy qua thiết bị trao đổi nhiệt G-HEX để cung cấp lượng nhiệt ban đầu cho lò hơi và hệ thống chiller tại nhà máy và ứng dụng địa nhiệt qua bộ trao đổi nhiệt và bơm nhiệt để cung cấp nhiệt cho hệ thống điều hòa không khí. Ở Việt Nam, G-HEX sử dụng nhiệt thải nước lạnh đã được thử nghiệm tại Nhà máy C.P ở Hà Nội vào năm 2021. Kết quả thử nghiệm và tính toán từ các chuyên gia cho thấy, ứng dụng G-HEX đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 hàng năm và giảm ô nhiễm môi trường. G-HEX được thử nghiệm mặc dù có quy mô nhỏ nhưng hiệu suất rất cao.

Về ứng dụng địa nhiệt, dự án mới dừng ở phạm vi khoan thăm dò và đo đạc, đánh giá tiềm năng ở 2 địa điểm thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh với độ sâu 50m, bước đầu cho thấy có tiềm năng để khai thác và ứng dụng nguồn năng lượng này. Nghiên cứu về điều kiện địa chất, ông Trần Trọng Thắng, nghiên cứu viên tại VIGMR khẳng định 2 đồng bằng lớn ở Việt Nam là Sông Hồng và Sông Mekong có nhiều tầng chứa nước và rất thuận lợi cho việc lắp đặt hệ thống, bên cạnh việc chuyển hóa năng lượng nhiệt của đất để sưởi ấm, làm mát thì có thể ứng dụng thiết bị cho mục đích như cung cấp nước nóng cho sinh hoạt, …

Trình bày kết quả dự án thí điểm ứng dụng địa nhiệt cũng đã được thực hiện tại Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản Việt Nam (VIGMR) và một thử nghiệm khác tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan áp dụng cho hệ thống điều hòa không khí cho thấy, hệ số COP của hệ thống vào khoảng 3,5 -> 3,7, tiết kiệm được khoảng 35% năng lượng điện so với điều hòa. TS. Youhei Uchida, chuyên gia đến từ AIST và cũng là thành viên nhóm nghiên cứu đánh giá, khí hậu ở Đông Nam Á rất phù hợp cho lắp đặt hệ thống trao đổi nhiệt lạnh cho điều hòa không khí cho các tòa nhà, và cũng khuyến khích nên nghiên cứu lắp đặt hệ thống ngay từ trước khi xây dựng móng cho các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam.

Tại các phiên thảo luận, các diễn giả cùng các nhà khoa học đã trao đổi về ưu điểm của hệ thống trong vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng như những thách thức khi lắp đặt tại Việt Nam. Với xu hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nhiệt nóng lạnh tại Việt Nam cũng như bài toán để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng dự án này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, để triển khai nhân rộng, trong thời gian tới cũng cần nghiên cứu giảm chi phí ban đầu, nâng cao năng lực về kỹ thuật, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp lý về thăm dò, khai thác địa nhiệt. Hiện nay quy định về “địa nhiệt” trong văn bản pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ nên vấn đề cấp phép thử nghiệm, khai thác chưa có hướng dẫn. Vì thế, Việt Nam cần sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn để việc khai thác địa nhiệt được phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho an ninh năng lượng đất nước

Previous articleDán nhãn năng lượng: Thực trạng và các giải pháp thúc đẩy dán nhãn năng lượng tại Việt Nam nói chung, Tp Hồ Chí Minh nói riêng
Next articleTiềm năng ứng dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong cấp nước nông thôn tại Việt Nam