Ngày 6/4/2023, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMTNT (NCERWASS) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Hiện trạng, tiềm năng và giải pháp ứng dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong cấp nước nông thôn Việt Nam”.
Báo cáo của các chuyên gia tư vấn của Trung tâm Phát triển xanh – đơn vị được UNICEF lựa chọn thực hiện nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng, tiềm năng ứng dụng TKNL và NLTT trong cấp nước nông thôn” cho thấy, ngành nước nông thôn Việt Nam có nhiều tiềm năng để ứng dụng năng lượng tái tạo và giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Với hơn 7000 công trình cấp nước tập trung sử dụng công nghệ bơm dẫn, điện là yếu tố quyết định để sản xuất và cung cấp nước sạch của các công trình này.
Công đoạn sử dụng năng lượng chính của một công trình cấp nước là thu, bơm nước thô về xử lý và trạm bơm thứ cấp. Hệ thống bơm chiếm khoảng 95% – 98% tổng năng lượng tiêu thụ của công trình, 2% – 5% chi phí là cho hệ thống chiếu sáng và sinh hoạt khác. Tổng chi phí cho tiền điện chiếm từ 17% – 33% tổng chi phí vận hành của đa số các công trình cấp nước nông thôn.
Về ứng dụng năng lượng tái tạo, điện mặt trời được đánh giá là có tính hợp lý và khả năng áp dụng nhất cho các công trình cấp nước nông thôn bởi tính tiện lợi, suất đầu tư vừa phải, phù hợp với địa hình và nhu cầu sử dụng điện thực tế của công trình.
Về tiết kiệm năng lượng, mặc dù đa số là các công trình có quy mô vừa và nhỏ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các công trình cấp nước nông thôn là khá cao, ước tính khoảng từ 15% – 20%. Các giải pháp và công nghệ có thể tiết kiệm năng lượng điển hình như sử dụng biến tần (VFD) để điều khiển tốc độ của thiết bị máy bơm, nâng cấp lên máy bơm hiệu suất cao, thực hiện các giải pháp quản lý như lập lịch bơm phù hợp, khắc phục rò rỉ, khuyến khích các hành vi tiết kiệm nước,…
Mặc dù có nhiều tiềm năng, việc TKLN và ứng dụng điện mặt trời trong các công trình cấp nước trong những năm qua còn chưa phổ biến. Nguyên nhân là do còn có các vướng mắc, bất cập khi thực hiện giải pháp NLTT và TKNL như cơ chế chính sách chưa rõ ràng, thiếu nguồn vốn đầu tư, nhận thức còn hạn chế… Các đại biểu bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước sớm có các hướng dẫn cụ thể, và tháo gỡ các vướng mắc về nối lưới đối với điện mặt trời, quản lý tài sản công, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, cho vay ưu đãi, tăng cường năng lực và nhận thức cho cán bộ vận hành các công trình cấp nước…