DỰ ÁN THU HỒI VÀ TIÊU HỦY F-GAS TẠI VIỆT NAM

Nghị định thư Montreal với các sửa đổi bổ sung, qui định các nước phát triển loại trừ hoàn toàn sản xuất và tiêu thụ các chất CFC và Halon vào năm 1996, các chất HCFC vào năm 2020. Đối với các nước đang phát triển được sử dụng các chất CFC và halon đến năm 2010 và các chất HCFC đến năm 2040.

Tại cuộc họp lần thứ thứ 28 của các Bên tham gia Nghị định thư Montreal diễn ra ở Thủ đô Kigali, Rwanda tháng 10/2016 đã thông qua Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal. Các bên tham gia Nghị định thư Montreal cam kết loại trừ dần việc sản xuất, tiêu thụ HFC.

Tháng 1/1994 Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal và cũng đã phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali tại Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2019.

Sau 25 năm phê chuẩn tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng và loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Chính phủ đã ban hành các chính sách và chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm chỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách và biện pháp công nghệ nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và cấm nhập khẩu các thiết bị có sử dụng chất CFC. Năm 2012, Việt Nam được ghi nhận và trao tặng chứng nhận hoàn thành loại trừ tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC theo đúng lộ trình quy định.

Việt Nam đã ngưng mức tiêu thụ HCFC ở mức cơ sở từ 1/1/2013, từ 1/1/2020 sẽ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở và đến 2025 giám 67,5% mức tiêu thụ cơ sở.

Lộ trình loại trừ các chất HFC đối với Việt Nam là ngưng mức tiêu thụ ở mức cơ sở các chất HFC từ 2024, loại trừ 10% vào 2029, loại trừ 30% vào năm 2035, loại trừ 50% vào năm 2040 và vào năm 2040 loại trừ 80% tổng lượng các chất HFC.

Mặc dù việc tiêu hủy R22 đã được thực hiện thí điểm lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2016 trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy xây dựng Bệnh viện xanh thông qua nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả và môi trường tại Việt Nam” tại Nhà máy xi măng Holcim Hòn Chông, Kiên Giang do NEDO tài trợ. Việt Nam hiện chưa có các quy định về thu gom và tiêu hủy F-gas, do đó tất cả F-gas được sử dụng cho các thiết bị như điều hòa, tủ lạnh, xe ô tô… đều thải vào khí quyển, gây ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu.

Trong bối cảnh trên, theo đề nghị của các đối tác Việt Nam, Bộ Môi trường Nhật Bản đã phê duyệt tài trợ Dự án Thu hồi và Tiêu hủy F-gas ở Việt Nam, thời gian thực hiện là 2 năm, từ 2019 – 3/2021.

Dự án đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch khả thi, qua đó thu hồi và phá hủy F-gas một cách hiệu quả, thúc đẩy xây dựng chính sách, tăng cường năng lực trong việc thu hồi và tiêu hủy F-gas bền vững. Trong khuôn khổ dự án sẽ hỗ trợ hình thành mạng lưới thu hồi F-gas và lắp đặt thiết bị tiêu hủy F-gas cho một cơ sở chuyên dụng nhằm nhân rộng mô hình và thúc đẩy việc tiêu hủy F-gas trong tương lai. Dự kiến việc thực hiện dự án sẽ góp phần giảm phát thải GHG 6.457tCO2-eq./năm ở Việt Nam – trung bình cho giai đoạn từ 2020 – 2025.

Các bên tham gia thực hiện dự án chính gồm: Công ty Marubeni Nhật Bản, Công ty Misubishi UFJ Morgan Standley, Công ty Daikin, Hội KHKT lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, Viện KH&CN Nhiệt Lạnh – Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm phát triển xanh, Công ty cổ phần Môi Trường Thuận Thành và các đơn vị thành viên của Hội KHKT lạnh và điều hòa không khí Việt Nam.

Trung Tâm Phát Triển Xanh.

Previous articleDự án: Dự án “Thúc đẩy vận hành và sử dụng nồi hơi TKNL trong công nghiệp”
Next articleDự án: Thúc đẩy cửa sổ tiết kiệm năng lượng trong các công trình tại VN