ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XANH, BỀN VỮNG

Hệ thống đô thị Việt Nam hiện đã phát triển khá mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng khá cao so với khu vực. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh và phức tạp, đòi hỏi các giải pháp chủ động, xuyên suốt, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao vai trò động lực của đô thị trong phát triển kinh tế – xã hội cả nước.

Nhiều hạn chế

Sự phát triển của hệ thống đô thị đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mô hình tăng trưởng của các đô thị tại Việt Nam chưa đa dạng, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí vận chuyển, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn. Nồng độ bụi TSP tại một số thành phố lớn đã vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn QCVN 05: 2013 từ hai đến ba lần. Lượng rác thải xây dựng phát sinh tiêu tốn lượng kinh phí rất lớn để xử lý với hơn 500 nghìn USD mỗi ngày.

Ngoài ra, các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Một số đô thị thường xuyên phải ứng phó tình hình ô nhiễm môi trường, ngập úng như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay nước kênh rạch bị nhiễm mặn tại các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hệ thống giao thông, gây sạt lở đất ven sông, giảm diện tích đất nông nghiệp…

Vấn đề quan trọng hơn, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, mô hình tăng trưởng của các đô thị Việt Nam có thể rơi vào tình huống thiếu bền vững và việc phục hồi sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, trong đó, các hành động liên quan lĩnh vực đô thị thuộc nhóm ưu tiên cao, nhưng thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, khái niệm phát triển đô thị tăng trưởng xanh còn mới, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và kinh nghiệm triển khai trong điều kiện của cơ cấu tổ chức, phân cấp tài chính, cơ chế chính sách của các đô thị còn hạn chế. Thứ hai, bất cập trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh và quy hoạch chung đô thị, chưa bảo đảm khả năng chống chịu đô thị và khuyến khích tăng trưởng xanh cũng như có cấu trúc không gian linh hoạt, giải pháp quy hoạch chưa thật sự gắn với nguồn lực để thực hiện. Thứ ba, chưa có hình mẫu thực hiện thành công mô hình xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại các vùng miền.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn thiếu, hệ thống cán bộ quản lý, chuyên môn chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, hệ thống. Đồng thời, vai trò của khối doanh nghiệp chưa được phát huy, thị trường về vật liệu và công nghệ xây dựng xanh, thân thiện với môi trường còn yếu. Phần lớn các đô thị thiếu sự chủ động cần thiết, đảm nhận vai trò chủ đạo trong triển khai xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Việc triển khai xây dựng kế hoạch hành động tại các bộ, ngành địa phương theo yêu cầu của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia còn thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ.

Ảnh minh họa – Khu đô thị sinh thái Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên)

Lấy tăng trưởng xanh làm xương sống

So sánh với những quốc gia khác trong khu vực, các đô thị Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện tài nguyên môi trường tự nhiên đa dạng, phong phú cũng như bề dày về truyền thống văn hóa và lịch sử hình thành phát triển. Đồng thời, mật độ dân số trung bình tương đối thấp, phổ biến đạt khoảng 40-50 người/ha, trong khi mật độ quy định theo định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia ít nhất là 95 người/ha. Cùng với xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế, tỷ lệ đô thị vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ hơn 78% tổng số đô thị toàn quốc.

Sự quan tâm, nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng từng bước hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam. Thị trường bất động sản đang đi dần vào quỹ đạo ổn định, có tính định hướng thân thiện môi trường, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ đã thiết lập nền tảng quan trọng và thuận lợi để thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Tất cả các yếu tố này sẽ là tiền đề quan trọng nhằm từng bước thay đổi tư duy, định hướng, lựa chọn mô hình phát triển xanh phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển đô thị tăng trưởng xanh, Bộ Xây dựng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực đô thị; chủ động hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế có uy tín như Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) lập báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đồng thời tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chuyên môn của 63 sở xây dựng và nhiều đô thị, tỉnh lỵ trên cả nước, phối hợp Hiệp hội Đô thị Việt Nam phát động phong trào thi đua Phát triển đô thị tăng trưởng xanh – sạch – đẹp.

Một số đô thị đã và đang triển khai các hành động cụ thể trong khuôn khổ chung của kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh. Theo báo cáo, hơn 40 đô thị trung tâm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 50% số đô thị đã có chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền đô thị, 35% số đô thị đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, từ nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến những hành động cụ thể vẫn còn có khoảng cách, do vậy, đòi hỏi cần có sự chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn trong quản lý, tổ chức, đồng thời có sự sắp xếp, ưu tiên hóa, kế hoạch hóa để làm cơ sở thu hút đa dạng nguồn lực thực hiện. Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030”, trong đó tập trung vào ba chủ đề quan trọng, bao gồm: rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học – công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh hằng năm và theo giai đoạn; quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Đây sẽ là những chủ đề xuyên suốt, tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển các đô thị trong tương lai, hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cũng như năng lực chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Nguồn: Lê Xuân Thủy – Nhân Dân Điện Tử.

Previous articleNGUỒN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ – CÁC THUẬN LỢI VÀ BẤT CẬP HIỆN NAY
Next articleTHỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP SAU KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG – VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM