ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG Ở VIỆT NAM

Kiểm toán năng lượng  được quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12). Theo đó, Kiểm toán năng lượng là hoạt động yêu cầu bắt buộc phải thực hiện 3 năm một lần đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các cơ sở sử dụng năng lượng không thuộc nhóm trọng điểm được Nhà nước khuyến khích định kỳ tổ chức KTNL và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương là Sở Công Thương. Quy trình, nội dung và mẫu báo cáo KTNL được quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BCT, ngày 20/4/2012 của Bộ Công Thương “Quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện KTNL”.

Ảnh minh họa hoạt động KTNL

Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1 nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên. Trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trong điểm: (i) Xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iii) Chỉ định người quản lý năng lượng; (iv) Ba năm một lần thực hiện việc KTNL bắt buộc; (v) Áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (vi) Thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở. Danh sách các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng ký quyết định ban hành hàng năm..Kể từ khi Luật được ban hành, số lượng doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và công trình xây dựng. Nếu như năm 2013 có 1714 cơ sở; 2014 là 1796 cơ sở; năm 2015 có 1.973 cơ sở; thì đến năm 2016 đã là 2.413 cơ sở; và năm 2017 có 2497 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, nếu vi phạm kiểm toán năng lượng sẽ bị xử phạt.  Điều 19 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng TK&HQ” quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán theo biểu mẫu quy định và phạt tiền từ 50,000,000 đồng đến 60,000,000 đồng đối với hành vi không thực hiện KTNL.

KTNL quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm rõ hiện trạng sử dụng năng lượng, hệ thống quản lý tiêu thụ năng lượng, xác định những khu vực sử dụng năng lượng chưa hợp lý,… mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững của quốc gia.

Mặc dù đã triển khai thực hiện được nhiều năm, tuy nhiên, đến nay KTNL ở Việt Nam vẫn còn thiếu vắng các nghiên cứu để đánh giá về hiện trạng cũng như kết quả triển khai trên thực tiễn của hoạt động này. Đặc biệt là các vấn đề như: các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng bắt buộc phải KTNL có thực hiện nghiêm túc các quy định hay chưa? Những rào cản nào đang cản trở hoạt động KTNL? Cơ chế chính sách về KTNL đã thực sự phù hợp với thực tiễn chưa? Nếu chưa thì cần có các giải pháp tháo gỡ nào?… là những vấn đề còn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Phát triển Xanh đang triển khai thực hiện Đề tài “Đánh giá hiện trạng thực hiện Kiểm toán năng lượng ở Việt Nam” nhằm cung cấp các luận cứ khoa học hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các chính sách và quy định về KTNL; đồng thời xem xét, xác định những bất cập trong quá trình thực hiện các quy định về KTNL, từ đó, kiến nghị các cơ quan chức năng có những biện pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo các quy định về KTNL được tuân thủ và phù hợp với thực tiễn… Đề tài do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đặt hàng trong khuôn khổ các nhiệm vụ Tư vấn và Phản biện xã hội năm 2019.

Trung Tâm Phát Triển Xanh.

Previous articleDự án: Thúc đẩy cửa sổ tiết kiệm năng lượng trong các công trình tại VN
Next articleKHẢO SÁT KIẾN THỨC – THÁI ĐỘ – HÀNH VI GIẢM NHẸ RỦI RO THIÊN TAI